Tin Tức

Kỹ Thuật Trồng Và Chăm Sóc Cây ăn Quả

Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, phát huy hết tiềm năng năng suất, chất lượng cây ăn quả, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện đã đưa ra một số biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả để giúp người dân thực hiện một cách hiệu quả.

NỘI DUNG

Kỹ thuật trồng

Để trồng cây ăn quả, đầu tiên chúng ta cần chọn khu đất có tầng canh tác dày, tơi xốp và tiếp thoát nước thuận lợi. Tùy vào địa hình cao hay thấp để bố trí hệ thống mương tiêu thoát nước phù hợp. Khi trồng, cần xác định mật độ khoảng cách hợp lý hàng x hàng: 4-5m, cây x cây: 4-5m. Đào hố kích thước 40x40x40 hoặc 60x60x60, xử lý hố bằng hỗn hợp thuốc BVTV trừ nấm + vi khuẩn trước khi trồng. Sau đó, bón lót đầy đủ bằng phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ vi sinh (nếu có) kết hợp phân super lân hoặc phân lân nung chảy. Toàn bộ hỗn hợp phân bón lót trộn đều với lớp đất mặt, sau đó lấp đầy hố trở lại. Công việc này phải hoàn thiện trước khi đặt cây giống 15-20 ngày trước khi trồng.

Yêu cầu cây giống phải có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi cơ sở uy tín chất lượng. Cây giống phải khỏe, sạch sâu bệnh, bộ lá xanh tốt. Trồng cây vào tháng 3-4 và tháng 8-10 dương lịch, lúc này thời tiết mát mẻ, khô ráo và ít mưa, thuận lợi cho cây trồng đâm chồi nảy lộc. Khi trồng, cần đặt cây ở vị trí trung tâm hố, sau đó lấp đất vừa bằng cổ rễ hoặc cao hơn 2-3cm. Trồng xong, dùng cỏ mục hoặc rơm rạ khô che phủ gốc (lưu ý cách gốc cây 10-15cm để tránh sâu bệnh xâm nhập). Sau trồng, thường xuyên thăm vườn, kịp thời trồng dặm cây chết, cây có biểu hiện sinh trưởng phát triển kém, đảm bảo mật độ trồng.

Hình ảnh cán bộ trung tâm DVNN huyện hướng dẫn kỹ thuật bao trái trên cây ăn quả cho bà con

Chăm sóc cây sau khi trồng

Sau khi trồng xong cây, cần tỉa bớt lá, tưới nước và dùng odoa hoặc đào rãnh xung quanh để tưới nước nhẹ nhàng. Tưới nước thường xuyên để giữ ẩm trong vòng 20 ngày đến 1 tháng, giúp cây hoàn toàn bén rễ và phục hồi. Sau đó, tuỳ theo thời tiết nắng mưa để chống hạn hoặc chống úng cho cây.

Chăm sóc thời kỳ kiến thiết cơ bản (KTCB)

Thời kỳ KTCB bắt đầu từ khi trồng cây cho đến khi cây ra hoa đậu trái, đồng thời kiến thiết bộ khung tán cho cây (1-2 năm sau trồng). Khâu kỹ thuật quan trọng trong giai đoạn này là cắt tỉa tạo tán.

Cắt tỉa tạo bộ khung, tán bắt đầu khi cây đạt chiều cao. Bấm ngọn tạo cành cấp 1, bấm ngọn cành cấp 1, tạo cành cấp 2. Tiếp tục tạo tán ở giai đoạn KTCB, chỉ để lại 3-4 cành cấp 1 phân bố tương đối đều về các hướng. Các cành cấp 1 này thường chọn cành khoẻ, ít cong queo, khung tán đều và thông thoáng. Trên cành cấp 1 chỉ giữ lại 3 cành cấp 2 phân bố hợp lý về góc độ và hướng. Cành cấp 3 là những cành tạo quả và mang quả cho những năm sau. Các cành này phải khống chế để chúng không giao nhau và sắp xếp theo các hướng khác nhau giúp cây quang hợp được tốt. Chú ý thời kỳ KTCB, nếu cây ra hoa, quả thì tỉa bỏ để cây tập trung dinh dưỡng tạo khung tán.

Bón phân

Trong thời kỳ KTCB, cần bón phân để đảm bảo cây có đủ dinh dưỡng. Bón lót phân hữu cơ hoai mục hoặc phân vi sinh, phân lân, vôi bột. Bón thúc NPK 16-16-8, 13-13-13+TE, Kcl, Ure.

Cách bón phân như sau:

  • Năm thứ nhất bón 4 lần/năm, lượng bón 200g NPK 16-16-8 + 50g Kcl/cây.
  • Năm thứ hai bón 4 lần/năm, lượng bón 400g NPK 16-16-8 + 100g Ure + 100g Kcl/cây.
  • Năm thứ 3 sau thu hoạch tỉa sửa nhánh, xới đất bón thúc để cây ra chồi, lượng bón 300g NPK 16-16-8 + 100g Ure + 100g Kcl + 10-15kg phân chuồng hoai mục/cây. Lưu ý, vùng đất chua dùng thêm vôi bột hoặc chế phẩm nâng PH, lượng phân bón cung cấp cần gia tăng dần khi cây lớn, lượng phân bón tuỳ theo tuổi của cây.
  • Ở giai đoạn kiến thiết cơ bản nên ngâm phân để tưới, cây từ 1-3 năm sau khi trồng chưa có quả. Mỗi năm bón 4 lần vào tháng 2, tháng 5, tháng 8 và tháng 11.

Hình ảnh vườn Bưởi diễn trước mùa thu hoạch

Chăm sóc thời kỳ kinh doanh

Thời kỳ kinh doanh là thời kỳ cây từ năm thứ 3 trở đi, bắt đầu cho trái ổn định. Cần thực hiện cắt tỉa hàng năm, giúp cân bằng sinh trưởng cho cây, cắt tỉa tất cả các cành sâu bệnh, cành chết, cành vượt, những cành quá dày. Cắt tỉa bớt cành cấp 1, sao cho cây có bộ khung tán cân đối. Đối với cành thu, cắt bỏ những cành yếu, mọc quá dày. Trên cây chỉ giữ lại một số cành tốt mọc từ thân, cho trái đều, hướng đầy đủ ánh sáng. Như vậy cây thường thấp và có tán cân đối. Công việc cắt tỉa cần được tiến hành khi thời tiết mát mẻ, khô ráo.

Cách bón phân thời kỳ kinh doanh: Lượng bón tăng dần theo độ tuổi, từ 0.5-3kg/cây/lần bón. Mỗi năm, bổ sung thêm 15-30kg phân chuồng hoai mục (hoặc 5-10kg phân hữu cơ vi sinh)/cây. Bón vào 5 giai đoạn:

  • Giai đoạn sau thu hoạch: Bón 25% đạm + 25% lân + 10-30kg hữu cơ/gốc/năm.
  • Bốn tuần trước khi cây ra hoa: Bón 25% đạm + 50% lân + 25% kali.
  • Sau khi đậu quả: Bón 25% đạm + 25% lân + 25% kali.
  • Giai đoạn quả phát triển: Bón 25% đạm + 25% kali.
  • Một tháng trước thu hoạch: Bón 25% kali.

Nên bón bổ sung từ 0.5-1kg phân Ca(NO3)2/cây/năm vào các giai đoạn sau thu hoạch, trước khi trổ hoa và sau đậu trái. Có thể phun phân bón lá tối đa không quá 3 lần/vụ trái, mỗi lần cách nhau ít nhất 30 ngày và đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch. Không phun phân bón lá vào mùa mưa vì làm cây dễ nhiễm nấm bệnh như Loét, Mốc hồng, Đốm rong.

Hình ảnh vườn cây ăn quả

Phòng trừ sâu bệnh hại

Cần thường xuyên thăm vườn cây, phát hiện và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại bằng cách thực hiện biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM trên cây ăn quả hợp lý, kết hợp sử dụng bộ thuốc BVTV chuyên dùng trên cây ăn quả khi sâu bệnh đến ngưỡng gây hại kinh tế, nằm trong danh mục thốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Đặc biệt, quan tâm vào mùa nắng nóng khô hạn, chú ý một số đối tượng như Bọ xít, Bọ trĩ, Nhện, Rệp sáp, Rầy mềm, sâu đục thân (xén tóc) và các loại bệnh do nấm + vi khuẩn gây ra. Vào mùa mưa, thường xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh hại do nấm + vi khuẩn gây hại như Bệnh đốm lá vi khuẩn, Loét thân, cành, Cháy bìa lá, Thán thư. Việc phun thuốc BVTV cần tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”.

Bảo quản trái cây

Để tăng chất lượng mẫu mã và ngăn ngừa sâu bệnh hại, chúng ta có thể áp dụng biện pháp bao quả chuyên dụng để bao quả từ khi quả còn nhỏ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *